Việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm là việc làm rất quan trọng, không chỉ để phòng bệnh mà còn kịp thời phát hiện bệnh trong giai đoạn khởi phát. Vậy, khám sức khỏe tổng quát định kỳ là như thế nào? Khám sức khỏe tổng quát định kỳ cần lưu ý những gì?
Sức khỏe là vốn quý giá đối với mỗi người. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đúng mực. Đặc biệt thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên bị xao nhãng với số đông người Việt Nam. Chỉ khi có dấu hiệu phát bệnh người dân mới nghĩ đến việc đi khám. Các chuyên gia y tế trên thế giới luôn khuyên rằng nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần để phòng ngừa các bệnh tiềm ẩn có nguy cơ đe dọa sức khỏe.Khám sức khỏe định kỳ là một điều thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người. Mọi nguy cơ đe dọa sức khỏe đều có thể được ngăn chặn kịp thời nếu được phát hiện sớm
Tìm hiểu về khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ là chương trình khám bệnh toàn diện các bộ phận trên cơ thể con người từ: mắt, tai, mũi, họng, điện tâm đồ, X-quang tim phổi, siêu âm bụng,…
Khám sức khỏe định kỳ có lợi gì?
- Phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các bệnh lý: Được bác sỹ theo dõi và thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp trong lứa tuổi của mình, giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường có nguy cơ phát triển thành bệnh lý, đặc biệt là nhiều bệnh lý nguy hiểm đang dần trở nên phổ biến như hiện nay như ung thư, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ,...
- Kéo dài tuổi thọ: Khám sức khỏe định kỳ sẽ được các bác sỹ tư vấn chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. (Một trong những yếu tố giúp người Nhật có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới đó là họ luôn duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm).
- Gia tăng "tài sản" cuộc đời của chính bạn: Tài sản đầu tiên là sức khỏe. Người có sức khỏe, có hi vọng, người có hi vọng có tất cả mọi thứ. Sức khỏe là sự giàu có thật sự.
- Tiết kiệm chi phí: Chi phí cho một lần đi khám sức khỏe định kỳ tốn kém rất ít so với số tiền phải bỏ ra để mua thuốc và điều trị lâu dài khi phát hiện bệnh muộn.
- Duy trì sự trẻ trung thật sự: Một cơ thể khỏe mạnh thật sự từ bên trong sẽ khiến bạn luôn trẻ hơn so với tuổi của mình.
Khám sức khỏe định kỳ ở đâu?
+ Bệnh viện trung ương.
+ Bệnh viện thành phố, quận, huyện.
+ Các trung tâm y tế,..
Khám sức khỏe định kỳ bao gồm
1. Kiểm tra các thông số chung: mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao.
2. Kiểm tra thị lực.
3. Khám lâm sang.
4. Xét nghiệm máu: công thức máu, đường máu khi đói, mỡ trong máu, chức năng gan, chức năng thận, viêm gan siêu vi B.
5. Tổng phân tích nước tiểu.
6. Chụp XQ phổi.
7. Siêu âm bụng tổng quát.
8. Đo điện tâm đồ.
9. Khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung (nữ).
10. Chụp nhũ ảnh, tầm soát ung thư vú (nữ trên 40 tuổi).
11. Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến (nam trên 50 tuổi)
Khám sức khỏe định kỳ theo lứa tuổi
Tuổi từ 20-30:
+ Khám và làm các xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như: viêm gan A, B, C, giang mai, bệnh lậu…
+ Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và chức năng sinh sản ở nam và nữ.
Tuổi từ 30-40:
+ Khám và làm các xét nghiệm về mỡ máu, tim mạch, gút, tiểu đường…
+ Đối với nam giới, kiểm tra chức năng gan, phổi nếu uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên..
+ Phụ nữ cần khám phụ khoa, đo mật độ loãng xương …
Tuổi từ 40-60:
+ Tầm soát các bệnh về ung thư tử cung, dạ dày, ung thư vòm họng…
Những lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ
+ Không ăn sáng, uống các chất có đường, gas hoặc chất gây nghiện như trà, cà phê…để đảm bảo kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu được chính xác.
+ Nếu siêu âm bụng tổng quát, cần uống nhiều nước và nhịn tiểu cho tới khi siêu âm bụng xong (nước tiểu trong bàng quang giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ thành bàng quang, tử cung và hai buồng trứng (đối với nữ) hoặc tuyến tiền liệt và túi tinh của nam).
+ Nếu nội soi dạ dày, cần nhịn ăn để bác sĩ quan sát tốt hơn bên trong dạ dày.
+ Không khám phụ khoa nếu trong kỳ kinh nguyệt, đang có thai.
+ Phụ nữ có gia đình tránh quan hệ tình dục trước ngày khám (nếu có khám phụ khoa).
+ Phụ nữ mang thai không chụp X-quang.
+ Các trường hợp siêu âm phụ khoa bằng đầu dò, cần tiểu hết cho bàng quang rỗng để bác sĩ dễ quan sát tử cung và phần phụ.
+ Vệ sinh cơ thể, tai, mũi, họng, vùng kín sạch sẽ để không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và quan sát của bác sĩ khi thăm khám.
+ Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, bệnh sử và nhu cầu của từng cá nhân để chọn chương trình khám phù hợp.
+ Tùy theo lứa tuổi, sức khỏe để chọn thời gian khám định kỳ: 6 tháng/lần, 1 năm/lần, 2 năm/lần…
Sức khỏe là vốn quý của mỗi người, do đó việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe thông qua việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm là việc làm cần được quan tâm và để bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc gia đình.