MEDIA CLUB FOR EDUCATION AND HEALTH CARE OF THE VIETNAM COMMUNITY

Chăm sóc sức khỏe Ban đầu

I. Dẫn nhập

Hội nghị quốc tế về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu (CSSKBĐ) được tổ chức từ ngày 6 - 12 tháng 9/1978 tại Alma-Ata, Kazakhstan, do Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) bảo trợ, với 134 nước- trong đó có Việt Nam- và 67 tổ chức quốc tế tham dự. Hội nghị đưa ra Bản Tuyên ngôn nổi tiếng về CSSKBĐ là Tuyên ngôn Alma-Ata, gồm 10 điểm, là chiến lược y tế  toàn cầu  nhằm đạt mục tiêu “Sức khỏe cho mọi người” (SKCMN).

Trước Alma-Ata, 1978, Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) nhận định:

– 80% dân chúng không được chăm sóc sức khỏe một cách thỏa đáng và tình trạng sức khỏe nói chung là không thể chấp nhận được;

– Nhân sự, kinh phí và trang thiết bị phân phối không công bằng – tập trung chủ yếu ở đô thị trong khi đa số dân chúng sống ở vùng nông thôn;

– Hệ thống y tế dựa vào điều trị, vào bệnh viện với kỹ thuật học cầu kỳ, tốn kém, không quan tâm đến bối cảnh kinh tế văn hóa và nếp sống của người dân địa phương;

– Đào tạo theo kiểu cũ, không phù hợp;

– Môi trường xã hội và thiên nhiên thay đổi. Nhiều bệnh tật mới xuất hiện, phức tạp, phản ánh tình trạng kinh tế – xã hội – chính trị, nên không thể giải quyết vấn đề đơn thuần bằng cách tiếp cận lâm sàng, cá thể như trước.

CSSKBĐ  là nền tảng triết lý và chính sách y tế của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO), nhằm xây dựng một hệ thống y tế phù hợp, đáp ứng tình hình mới với sự  thay đổi nhanh chóng về mô hình bệnh tật, về dân số học và về kinh tế - xã hội.

Từ Hội nghị Alma-Ata 1978 đến nay, đã có 4 hội nghị quốc tế khác xem xét lại toàn bộ chiến lược CSSKBĐ để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Tại Madrid, 2003, Hội nghị đã đưa ra những định hướng chiến lược cho CSSKBĐ nhằm đạt Mục tiêu SKCMN ở thế kỷ 21 và Mục đích Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) do Liên Hợp Quốc đề ra.

Tại Argentina, 8/2007, Hội nghị quốc tế về Sức khỏe cho Phát triển của WHO khẳng định CSSKBĐ là chìa khóa để đạt mục đích Phát triển thiên niên kỷ với cơ hội và thách thức .

WHO The World Health Report 2008 – khẳng định một lần nữa: “Primary Health Care - Now More Than Ever” - Chăm sóc sức khỏe ban đầu - Bây giờ hơn bao giờ hết!

Mục đích cuối cùng của CSSKBĐ hiện nay là làm sao cho Sức khỏe của mọi người được tốt hơn (better health for all) một cách công bằng và bình đẳng qua các giải pháp: cải thiện mạng lưới y tế cơ sở; tổ chức hệ thống y tế gần dân, đáp ứng nhu cầu và mong đợi (cung cấp tốt dịch vụ y tế); lồng ghép sức khỏe với các lãnh vực khác (cải thiện chính sách công) và tiếp tục các mô hình hợp tác liên ngành với sự tham gia của các tổ chức quần chúng, cộng đồng.

II. Nội dung

1. Thuật ngữ CSSKBĐ

Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu được định nghĩa:

“… là sự chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật học thực tiễn, có cơ sở khoa học và được chấp nhận về mặt xã hội, phổ biến đến tận mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng, qua sự tham gia tích cực của họ với một phí tổn mà cộng đồng và quốc gia có thể đài thọ được ở bất cứ giai đoạn phát triển nào, trên tinh thần tự lực và tự quyết. Nó là một bộ phận hợp thành vừa của hệ thống y tế Nhà nước – mà trong đó, nó giữ vai trò trọng tâm và là tiêu điểm chính – vừa của sự phát triển chung về kinh tế xã hội của cộng đồng. Nó là nơi tiếp xúc đầu tiên của người dân với hệ thống y tế, đưa sự chăm sóc sức khỏe đến càng gần càng tốt nơi người dân sống và lao động, trở thành yếu tố đầu tiên của một quá trình săn sóc sức khỏe lâu dài “ (Tuyên ngôn Alma-Ata, 1978). (WHO (1946) định nghĩa: “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”).

Từ “Ban đầu” này dễ gây nhầm lẫn là “sớm, mới đầu, còn nhỏ, sơ bộ, cơ sở…”, thực ra không phải vậy mà bao gồm những ý nghĩa như sau: Đó là sự săn sóc sức khỏe:

1) Thiết yếu;

2) Kỹ thuật học thực tiễn, khoa học, được xã hội chấp nhận;

3) Phổ biến đến tận cá nhân và gia đình;

4) Tự lực, tự quyết;

5) Tham gia tích cực;

6) Phí tổn vừa phải;

7) Gần gũi nơi người dân sống và lao động;

8) Nằm trong sự phát triển chung về kinh tế – xã hội của địa phương.

2. Các yếu tố nội dung của CSSKBĐ theo Alma Ata:

Có 8 yếu tố nội dung chính:

   1) Giáo dục sức khỏe

   2) Dinh dưỡng

   3) Môi trường – Nước sạch

  4) Sức khỏe bà mẹ trẻ em – Kế hoạch hóa gia đình

  5) Tiêm chủng mở rộng

  6) Phòng chống bệnh dịch địa phương

 7) Chữa bệnh và chấn thương thông thường.

  8) Thuốc thiết yếu.

Ngoài 8 yếu tố trên, mỗi quốc gia đề thêm các yếu tố cần thiết khác theo tình hình thực tiễn của mình.

Việt Nam đề thêm 2 yếu tố sau đây (trở thành 10 yếu tố CSSKBĐ của VN):

  9) Quản lý sức khỏe

10) Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở.

Các nội dung ưu tiên hiện nay:

1) CSSKBĐ cho trẻ em: GOBI-FFF

- Biểu đồ tăng trưởng (Growth monitoring)

- Uống bù nước (Oral Rehydration Therapy)

- Sữa mẹ (Breastfeeding)

- Chủng ngừa (Immunization)

- KHGĐ (Family Planing)

- Giáo dục nữ (Female Education)

- Thực phẩm bổ sung (Food supplementation)

2) Chăm sóc người cao tuổi:

Chăm sóc bệnh mãn tính/ bệnh dịch không lây, tiểu đường, loãng xương, cần triển khai Chương trình Nâng cao sức khỏe (Health Promotion) và Chăm sóc ban đầu tốt.

3) Chăm sóc bệnh tâm thần

III. Phân biệt CSSK Ban đầu (Primary Health Care) và Chăm sóc ban đầu (Primary Care): 

Chăm sóc Ban đầu (Primary Care) là chăm sóc y tế (medical care) ngay khi đau ốm, bệnh tật, cấp cứu, chấn thương…do nhân viên y tế thực hiện, chủ yếu tại phòng khám bệnh trong hệ thống y tế, có thể kết hợp với các chuyên khoa sâu khi cần. Người thực hiện chăm sóc ban đầu là các bác sĩ tổng quát, bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, và tùy nơi, có thể là dược sĩ, là y sĩ hay điều dưỡng, nhân viên y tế nói chung (chữ thập đỏ, nhân viên sức khỏe cộng đồng…), thầy thuốc đông y. Tùy tình trạng bệnh, có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để chẩn đoán và điều trị (cấp 2 và cấp 3).

Nội dung của chăm sóc ban đầu là các bệnh mãn tính thường gặp như Tăng huyết áp, Đau thắt ngực. Tiểu đường, Suyễn, COPD, Trầm cảm, Lo âu, Đau thắt lưng, Viêm khớp, Bệnh tuyến giáp. Ngoài ra còn bao gồm sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Kế hoạch gia đình, Tiêm chủng, chăm sóc người cao tuổi với các bệnh mạn tính không lây. (Theo Phân loại quốc tế về Chăm sóc ban đầu: International Classification of Primary Care– ICPC).

Như vậy, Chăm sóc ban đầu là một phần quan trọng của Chăm sóc sức khỏe ban đầu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân – một cách công bằng và bình đẳng- với sự hướng trợ của tuyến trên.

IV. Nguyên tắc tiếp cận CSSKBĐ:

4 nguyên lý cơ bản CSSKBĐ (Phương pháp cộng đồng):

1. Cam kết chính trị (Political commitment):

Sức khỏe là yếu tố của sự phát triển, phải được đầu tư tương xứng. Phải có một hệ thống y tế đạt đến sự công bằng và bình đẳng  cho tất cả mọi người bất kể tuổi tác, giới tính, giai cấp, nông thôn thành thị. Đầu tư phát triển lực lượng y tế có chất lượng, làm việc ê-kíp, có sự hỗ trợ bởi hệ thống y tế các cấp.

2. Tham gia cộng đồng (Community Involvement)

Sự tham gia tích cực của cá nhân và cộng đồng là một yếu tố quyết định thành công trong CSSKBĐ: tự trách nhiệm, tự lực, tự quyết. Sự tham gia tích cực bao gồm từ giai đoạn lập kế hoạch, đến triển khai và kiểm tra giám sát, tận dụng mọi tài nguyên sẵn có của cộng đồng.

3. Phối hợp liên ngành (Multisectoral Cooperation)

Y tế một mình không tạo được sức khỏe. Phải có sự phối hợp hoạt động với các lãnh vực khác như giáo dục, nông nghiệp, truyền thông, công nghiệp, giao thông, công trình công cộng (môi trường, nước…), sự hợp tác của các tổ chức cộng đồng, ban ngành đoàn thể v.v…

4. Kỹ thuật học thích hợp (Appropriate Technology)

Kỹ thuật học SK (Health technologies) giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe và cải thiện cuộc sống, tối cần thiết cho hệ thống y tế để phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm thiểu tật nguyền, phục hồi chức năng. Thích hợp là dễ tiếp cận, giá cả hợp lý, khả thi, phù hợp văn hoá địa phương. Tiến bộ trong kỹ thuật truyền thông và thông tin (Information and Communications Technology -ICT) gọi là e-health.

V. Chiến lược CSSK trong tình hình mới:

Thế giới biến động nhanh chóng, tạo ra nhiều thách thức mới:

1. Vấn đề sức khỏe:

– Các bệnh dịch mới: COVID-19; H A/H1N1, HIV/AIDS, SARS, H5N1…

– Bệnh cũ bộc phát: Lao, Sốt rét, Ung thư, Tiểu đường, tâm thần…

– Mạn tính g gánh nặng lâu dài

– Bệnh do hành vi lối sống

– Yếu tố nguy cơ: môi trường, rượu, thuốc lá

– Dinh dưỡng

– Thiếu vận động

– Thương tích: bạo hành, vũ khí, chiến tranh, tai nạn giao thông

– Trẻ tật nguyền (bệnh thai nhi)

– Hệ thống y tế lỗi thời, lạc hậu, đào tạo không phù hợp.

2. Dân số thay đổi:

– Xã hội già đi, bệnh mãn tính, gánh nặng xã hội - y tế

– Trong khi đó, tuổi thọ rút ngắn (HIV/AIDS) ở một số quốc gia nghèo khó

3. Kinh tế - Xã hội biến chuyển:

Toàn cầu hóa, Kỹ nghệ hóa và Đô thị hóa

  • Môi trường sống biến chuyển (xã hội và thiên nhiên)
  • Di dân làm thay đổi cấu trúc cộng đồng
  • Chọn giới tính, xáo trộn cân bằng sinh học
  • Gia tăng khoảng cách giàu nghèo, nhu cầu săn sóc sức khỏe phức tạp.
  • Hệ thống giá trị gia đình, cộng đồng bị sói mòn
  • Lối sống cạnh tranh, căng thẳng, ít vận động
  • Yếu tố nguy cơ: Rượu, thuốc lá, ma túy, mại dâm, sai dinh dưỡng…
  • Kỹ nghệ hóa, đô thị hóa làm rệu rã hệ thống y tế cơ sở, trang thiết bị, xáo trộn về nhân lực
  • Toàn cầu hóa, di dân, hợp tác lao động, yếu tố nguy cơ gia tăng
  • Thị trường lao động mở: mất nguồn nhân lực, cạnh tranh giữa công và tư, giữa y tế và các ngành khác, giữa nước giàu và nghèo.

4. Mô hình CSSKBĐ trong tình hình mới:

Mô hình CSSKBĐ trong tình hình mới phải:

– Mềm dẻo, uyển chuyển; Mô hình đa dạng, phù hợp, sáng tạo;

– Đáp ứng nhanh nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao, trên tinh thần gần dân; tiếp cận dựa vào dân số mục tiêu (population-based) thay vì chỉ dựa vào cộng đồng; chú ý nâng cao chất lựơng cuộc sống (QOL);

– Dựa trên chứng cứ (evidence-based indicators), không áp đặt;

– Đặt trọng tâm chăm sóc sức khỏe đúng nơi, đúng lúc, đúng chuẩn;

– Quan tâm bệnh mãn tính do dân số ngày càng già đi;

– Quan tâm kinh tế y tế, quản lý y tế và đào tạo nhân lực.

VI. Kết luận

Tóm lại, trong tình hình mới, với những thay đổi nhanh chóng về mô hình bệnh tật, về dân  số học, về kinh tế – xã hội, CSSKBĐ hơn bao giờ hết, vẫn là một chìa khóa của chính sách y tế toàn diện, nhân bản, gắn sức khỏe vào phát triển của đất nước.

Mục đích tối hậu của CSSKBĐ hiện nay là làm sao cho Sức khỏe của mọi người được tốt hơn (better health for all) một cách công bằng và bình đẳng qua các giải pháp: cải thiện mạng lưới y tế cơ sở; tổ chức hệ thống y tế gần dân, đáp ứng nhu cầu và mong đợi (cung cấp tốt dịch vụ y tế); lồng ghép sức khỏe với các lãnh vực khác ( cải thiện chính sách công) và tiếp tục các mô hình hợp tác liên ngành với sự tham gia của các tổ chức quần chúng, cộng đồng.

Cần đặt vấn đề sức khỏe lên vị trí quan trọng của các chương trình nghị sự, phát triển đất nước; thấy sức khỏe do nhiều yếu tố tác động, một mình y tế không thể mang lại sức khỏe cho mọi người, cần có chính sách tạo được phối hợp liên ngành và tham gia của người dân.

Phát triển sức khỏe không phải là một gánh nặng mà trái lại là yếu tố tối cần thiết để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, do đó đầu tư đúng mức.

Quảng cáo 1 Quảng cáo 3 Quảng cáo 4
0

Giỏ hàng

0 sp - Liên hệ