Ngày 22/7, Sở Y tế TP HCM triển khai thử nghiệm mô hình "cấp cứu trầm cảm", do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP HCM đảm trách.
Khi có người mắc biểu hiện chứng trầm cảm nặng, bạn gọi đến số 115 (số trực cấp cứu của Trung tâm 115 TP HCM) hoặc 19001267 (số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm Thần TP HCM).
Nhân viên y tế trực tổng đài tiếp nhận cuộc gọi sẽ hỏi một số câu hỏi sàng lọc, báo tin khẩn đến đội cấp cứu ngoại viện 115. Các thành viên trong đội sau đó tiếp cận hiện trường, thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc và điều trị. Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, hoạt động cấp cứu trầm cảm nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh để chăm sóc, điều trị chuyên khoa kịp thời những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng. Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến trung bình và đáng ngại nhất là thể nặng vì hầu hết người mắc chứng trầm cảm ở thể này thường sẽ tìm đến cái chết, cần kịp thời phát hiện các dấu hiệu tự sát và gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm rất đa dạng. Triệu chứng chung là buồn rầu, chán nản, bi quan, tuyệt vọng kéo dài hơn hai tuần. Ngoài ra, người bệnh còn giảm các ham muốn, sở thích cá nhân, hay mệt mỏi, giảm tập trung, do dự không quyết đoán, giảm tự tin, nghĩ về tương lai ảm đạm bi quan, rối loạn ý định và hành vi, rối loạn giấc ngủ, ăn uống kém... Trầm cảm khiến người bệnh mất ý chí muốn sống, không còn nghĩ tới tương lai và luôn muốn quyên sinh. 70% bệnh nhân tự sát có liên quan các bệnh lý rối loạn về tâm thần bao gồm trầm cảm.
Hoạt động cấp cứu trầm cảm cũng nằm trong lộ trình chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần hậu Covid-19 cho người dân TP HCM. Nhiều báo cáo khoa học trên thế giới ghi nhận tác động của dịch bệnh Covid-19 lên sức khỏe tâm thần của người dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%. Phần lớn các quốc gia đưa hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội vào kế hoạch ứng phó với dịch Covid, song thực tế vẫn còn nhiều khoảng trống.
Thời gian qua, thành phố đã xây dựng được mạng lưới chăm sóc, quản lý từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã, với mục tiêu chăm sóc sức khỏe người bệnh tâm thần dựa vào cộng đồng. Hiện, các bệnh viện thành phố có khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần. Các phòng khám tâm thần thuộc các trung tâm y tế quận huyện sẽ chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần đã điều trị ổn định từ các bệnh viện có chuyên khoa này. Trạm y tế phường, xã chăm sóc người bệnh tâm thần ổn định và đến nhà cấp phát thuốc cho một số trường hợp đặc biệt.
Sở Y tế TP HCM đào tạo nhân viên y tế, cộng tác viên điều trị tâm lý tại tuyến cơ sở; chăm sóc và nâng đỡ tinh thần người bệnh bằng các biện pháp tư vấn dinh dưỡng, chế độ luyện tập, kết hợp các phương pháp y học hiện đại và cổ truyền. Lãnh đạo Sở sẽ họp định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất để sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm.