MEDIA CLUB FOR EDUCATION AND HEALTH CARE OF THE VIETNAM COMMUNITY

Omicron được cho là 'dấu hiệu đại dịch chấm dứt'

Ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Cơ quan Y tế Liên bang Nga, cho rằng sự xuất hiện biến chủng Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu Covid-19 sắp kết thúc.

"Biến chủng mới xuất hiện lần đầu ở Nam Phi dễ lây lan hơn. Mặt khác, có dữ liệu chỉ ra rằng nó gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Như vậy, nó không làm tổn hại phổi. Tôi nghĩ đây có thể là tín hiệu cho thấy cơn ác mộng sắp kết thúc, cũng là dấu hiệu chỉ ra rằng virus bắt đầu rút lui", ông nói trên đài phát thanh Govorit Moskva.

Theo ông Nikiforov, Omicron có thể khiến Covid-19 trở thành mầm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa thông thường. Thực tế, nhiều chuyên gia trước đó cũng ủng hộ quan điểm này.

Monica Gandhi, bác sĩ truyền nhiễm, giáo sư y khoa tại Đại học California - San Francisco, Mỹ, nhận định virus thường tiến hóa để dễ lây lan hơn, chứ không gây tử vong nhiều hơn. "Chúng muốn có nhiều bản sao virus con, chứ không muốn giết chết vật chủ một cách dễ dàng, bởi đó không phải chiến lược khôn ngoan cho lắm", Gandhi nói.

Trước khi xuất hiện Omicron, các nhà khoa học từng đặt câu hỏi liệu Delta có phải "trạng thái đỉnh cao" của nCoV, khi virus được tối ưu hóa và ít đột biến hơn trong tương lai.

"Các biến chủng phù hợp hơn có thể sinh ra theo thời gian, nhưng chúng sẽ không xuất hiện mãi mãi. Trong tự nhiên, không có gì là vô hạn. Một lúc nào đó, virus sẽ đạt đến ngưỡng ‘lây nhiễm tuyệt đối’ (maximum transmission). Sau đó, đột biến mới không mang lại lợi thế lây nhiễm nữa. Virus ổn định, biến chủng cuối cùng này sẽ chiếm ưu thế và trở thành chủng trội. trải qua các thay đổi nhỏ lẻ và không thường xuyên", theo một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature.

Nhân viên kiểm soát y tế tập trung tại Sân bay Quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 1/12. Ảnh: AP

Nhân viên kiểm soát y tế tập trung tại Sân bay Quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 1/12. Ảnh: AP

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron là "biến chủng đáng lo ngại". Theo các chuyên gia, lượng đột biến lớn trên protein S của virus có thể giúp nó vượt qua hàng rào kháng thể từ vaccine hoặc nhiễm bệnh trước đó. Đến nay, Omicron đã xuất hiện ở gần 30 quốc gia. Bệnh nhân chủ yếu tập trung ở Nam Phi.

EU, Anh và Mỹ nhanh chóng áp đặt nhiều hạn chế đi lại đối với các nước Nam Phi. Giới chức nước này cho rằng lệnh cấm du lịch là không cần thiết, ví động thái đó với "sự trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiên tiến và khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh chóng".

Các nhà khoa học còn nhiều tranh cãi xung quanh biến chủng Omicron. Một số người cho rằng virus có thể lây lan nhanh hơn, né tránh miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine. Số khác nhận định biến chủng đang bị thổi phồng.

 

(Theo Tass)

Quảng cáo 1 Quảng cáo 3 Quảng cáo 4
0

Giỏ hàng

0 sp - Liên hệ