Thủ tướng chỉ đạo Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hà Nam, Yên Bái căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể; kể cả áp dụng biện pháp hình sự.
Nêu chỉ đạo trên khi chủ trì họp khẩn về phòng chống Covid-19 trong sáng 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay: "Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Một người lơ là, cả xã hội vất vả".
Nhấn mạnh tinh thần phân cấp triệt để, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, ông nói "ở đâu, khâu nào, cá nhân nào làm chưa đúng thì xử lý nghiêm" và giao Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện việc này.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, người nhiễm bệnh được chăm lo, điều trị kịp thời; tinh thần "cứu người là chính, đảm bảo nhân văn". Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ xem xét, xử lý nghiêm người không tuân thủ quy định về cách ly, để xảy ra lây nhiễm cộng đồng.
Những ngày qua, ông thấy có phản ánh các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP Đà Nẵng chưa thực hiện nghiêm quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế), nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Các địa phương chấn chỉnh tình trạng này.
Thủ tướng nhắc nhở tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang chậm trễ triển khai cơ sở xét nghiệm. "Nếu lơ là chúng ta sẽ phải trả giá đắt về con người, của cải vật chất, cơ hội phát triển, uy tín".
Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết liên quan chuỗi lây nhiễm mới bùng phát, cả nước đã xét nghiệm 2.452 mẫu, trong đó 1.569 mẫu âm tính; 16 mẫu dương tính; 867 mẫu chờ kết quả. Nguồn lây tại Hà Nam, Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên được Bộ Y tế xác định là từ "bệnh nhân 2889".
Nhà chức trách tiếp tục điều tra, xác minh, phân tích dịch tễ sâu để nhận định nguồn lây cho "bệnh nhân 2889". Bước đầu kết quả phân tích cho thấy có khả năng thời gian ủ bệnh của virus dài hơn 14 ngày. Ngành y tế đang giải trình tự gen để xác định chủng virus gây bệnh. Khả năng khác là bệnh nhân này tiếp xúc với người dương tính trong quá trình di chuyển từ Đà Nẵng về Hà Nam mà chưa xác định được.
Bộ Y tế đề nghị các khu cách ly phải có camera hoạt động 24/24h, bố trí đủ người giám sát, đảm bảo an ninh. Cơ quan chức năng sẽ áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi, quản lý liên thông người nhập cảnh từ khi vào Việt Nam, đến khi hết cách ly tập trung 14 ngày và 14 ngày theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú.
Về "bệnh nhân 2899", nghi gây ra ổ dịch tại địa phương, sáng nay ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam giao Công an tỉnh rà soát hồ sơ, nếu đủ căn cứ sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Nam bệnh nhân 28 tuổi bị nhà chức trách cho là chưa thực hiện nghiêm các quy định tự cách ly tại nhà mà vẫn liên hoan, ăn uống với nhiều người.
Về nhóm chuyên gia người Trung Quốc bị phát hiện nhiễm Covid-19 sau khi xuất cảnh Việt Nam, sáng nay, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái thừa nhận việc quản lý, giám sát sau cách ly với nhóm chuyên gia này "còn lỗ hổng, sơ suất". Nhóm chuyên gia này đã hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, nhưng trong thời gian theo dõi, giám sát sức khỏe tại nơi cư trú "đã tự ý di chuyển đi nhiều nơi".
Sau hơn một tháng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, từ ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận 16 ca lây nhiễm cộng đồng, khởi đầu từ "bệnh nhân 2899". Nhà chức trách hiện cấp tốc truy vết, khoanh vùng và dập dịch tại các tỉnh.
Tối qua 1/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam thông báo kết quả xét nghiệm ban đầu hai người dương tính nCoV, liên quan đến ổ dịch xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Hai người này đang được xét nghiệm khẳng định, xem như nghi nhiễm.
Hôm nay, 6 cô gái làm việc tại một quán bar ở Vĩnh Phúc, tiếp xúc gần với nhóm chuyên gia Trung Quốc phát hiện mắc Covid-19 khi về nước, có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV.