MEDIA CLUB FOR EDUCATION AND HEALTH CARE OF THE VIETNAM COMMUNITY

Con trẻ bị 'bỏ rơi' ngay chính trong nhà mình

Cuộc sống càng hiện đại thì con người càng bận rộn với bao công việc. Nhiều khi người lớn cứ mải mê với những công việc và niềm đam mê của mình mà quên mất niềm hạnh phúc được vui chơi cùng con trẻ.

Mải mê với các thiết bị công nghệ

Hiện nay, có rất nhiều gia đình cả ngày đi làm, đi học, buổi tối ở bên nhau chút nhưng mọi người không dành thời gian cho nhau, mà lại tập trung vào những sở thích riêng của từng người. Bố thì mải nằm trên ghế đọc báo, xem tivi; mẹ thì chăm chăm vào chiếc điện thoại lướt mạng xã hội, buôn chuyện với bạn bè. Cứ thế, trẻ nhỏ không có ai để cùng vui chơi và chuyện trò nên phải tự chơi một mình.

Đặc biệt, những ông bố, bà mẹ trẻ lại càng bận rộn với cả một núi việc riêng, mà theo họ thì việc nào cũng “chính đáng” - kể cả khi họ để mặc con cái mình ngồi chơi một mình, còn bản thân thì tối nào cũng “lê la” với đủ các niềm vui trên chiếc điện thoại thông minh, từ chính trị đến thời trang, mỹ phẩm, du lịch... Nếu các con có mong muốn được cha mẹ chơi cùng thì sẽ bị từ chối vì còn “bận việc”.

 
 
 

Trẻ đang bị "bở rơi" với thiết bị công nghệ ngay chính trong nhà mình (Ảnh minh họa)

Gia đình chị Nguyễn Vân Anh (Hà Nội) đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Vân Anh kể, đi làm cả ngày về nhà, rồi cơm nước, tắm giặt, còn chút thời gian buổi tối mình chỉ muốn nghỉ ngơi, thư giãn nên nhiều lúc cậu con trai 3 tuổi đòi mẹ chơi cùng chị lại cho rằng con đang “mè nheo”. “Những lúc như thế, tôi thường bật ti vi cho con xem, còn mình thì lướt facebook tám vài câu chuyện với bạn bè. Dần dần tôi nhận ra con trai tôi “nghiện” ti vi và phải bắt đầu điều chỉnh thái độ của mình”.

Chị Vân Anh chia sẻ: “Trên thực tế, đây không phải là trường hợp hiếm gặp, cũng không phải là chuyện lạ trong cuộc sống gia đình và xã hội ngày nay. Một lần, khi đi xe bus ở Hà Nội, tôi chứng kiến bà mẹ trẻ một tay xách túi, một tay cầm chiếc điện thoại và không rời mắt khỏi cái màn hình hấp dẫn, còn đứa trẻ mới khoảng 5 tuổi tự đi theo sau mà cảm thấy buồn thương.

Trong khi một vài ông bố bà mẹ khác đang dắt tay con và nói cho chúng nghe về những chiếc xe, phương tiện giao thông và niềm vui sau những ngày nghỉ thì đứa bé 5 tuổi kia lại ngơ ngác với một thế giới lạ trước mắt mà không có người chuyện trò cùng.

Để trẻ có sự gắn kết với cha mẹ

Trên thực tế, niềm vui của con trẻ vô cùng đơn giản, đó là được vui chơi có tương tác với bạn bè đồng trang lứa, hoặc với cha mẹ và người thân trong gia đình. Khi có người cùng vui chơi, con cái chúng ta sẽ thấy được chia sẻ và được yêu thương nhiều hơn. Vì vậy, niềm vui và hạnh phúc sẽ được tăng lên, cũng là cách để gắn kết tình cha mẹ với con cái thắm thiết, sâu sắc. Con trẻ cũng vì thế mà thêm yêu gia đình, sống tự tin và mạnh mẽ, chan hòa hơn.

Trong mắt con trẻ, thế giới xung quanh với vạn vật, vạn việc đều còn lạ lẫm và mơ hồ, vì thế chúng luôn muốn hỏi người lớn để hiểu. Chúng cũng có thể tự khám phá, tự tìm tòi, nhưng nếu có người lớn hướng dẫn và khơi gợi thì chúng sẽ rèn giũa được tư duy thông minh và khả năng nhận thức.

Xây dựng sự gắn kết giữa cha mẹ với con cái bắt đầu từ những việc nhỏ nhất (Ảnh minh họa)

Người lớn chúng ta đôi khi vẫn đang còn ích kỷ riêng cho mình, mà thiếu sự cảm thông khi trẻ không tìm được nơi tâm sự, chia sẻ. Các chuyên gia cho rằng, giống như tất cả các mối liên hệ khác, mối liên hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái cần được xây dựng bằng tất cả mọi nỗ lực. Vai trò làm cha mẹ thật không phải dễ. Nó là trách nhiệm một người thầy trong cộng việc dạy dỗ uốn nắn. Là bổn phận của đấng sinh thành trong công cuộc nuôi dưỡng, thương yêu, bao bọc vì ràng buộc huyết thống. Hơn thế nữa, kẻ làm cha mẹ còn phải ở vị thế “một người bạn” để gần gũi, cảm thông và chia sẻ với các con từ lúc còn bé cho tới tuổi trưởng thành.

Như câu chuyện chia sẻ ở trên, sau nhận ra vấn đề khi “bỏ mặc” con với đồ chơi công nghệ, chị Nguyễn Vân Anh (Hà Nội) đã bắt đầu thay đổi thói quen. Chị yêu cầu chồng chia sẻ công việc gia đình, sắp xếp thời gian hợp lý hơn và “chịu “ chơi với con nhiều hơn. “Hãy lắng nghe câu chuyện của con bạn hằng ngày. Việc trò chuyện hằng ngày có lẽ là điều nhàm chán, vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, trong những câu chuyện đó chắc chắn sẽ luôn chứa đựng những sự gợi ý có thể giúp bạn biến việc giáo dục trẻ trở nên thoải mái hơn, chẳng hạn như hiểu được cảm xúc và thói quen suy nghĩ của trẻ. Đôi khi hãy tập trung và lắng nghe trẻ.

Ngoài ra, hãy hỏi han những điều, những suy nghĩ mà trẻ đã không nói hay không thể nói khi được hỏi từ người lớn”, chị Vân Anh chia sẻ với các bậc phụ huynh.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không phải lúc nào cha mẹ và người lớn cũng có nhiều thời gian vui chơi cùng con trẻ. Tuy nhiên, khi có thể hãy tranh thủ dành thật nhiều thời gian cho trẻ, để tất cả cùng vui và gắn bó với nhau. Nếu sống lâu trong một gia đình hoặc một môi trường lạnh nhạt hoặc ít giao tiếp, ít vui chơi cùng nhau thì trẻ dễ bị cô đơn, buồn, tủi thân và dễ dẫn đến trầm cảm hoặc mắc chứng tự kỷ.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, đến 8 tuổi một đứa bé coi như đã hoàn thiện 80% tâm lý - nhân cách - quan điểm sống cơ bản. Nghĩa là, 8 năm đầu đời ấy sẽ gần như quyết định con chúng ta là ai. Nếu bạn thiếu tiền, bạn có thể kiếm sau; nếu bạn chưa mua đủ quần áo đẹp cho con, bạn có thể mua sau. Nhưng nếu bạn không dành đủ thời gian cho con, không thể hiện tình yêu của mình với con, hay phó thác con cho ông bà hoặc người giúp việc chăm nuôi - thì bạn sẽ không có phép màu nào có thể quay lại để bù đắp và cứu vãn sai lầm đã bỏ rơi con mình.

Hãy đừng thức tỉnh quá muộn màng, hãy đừng để tuổi thơ của con tan vỡ, hãy đừng cướp đi sự hồn nhiên, thơ ngây và thuần khiết của những đứa trẻ, dù là với bất kỳ lý do nào.

Theo giadinhvietnam.com

 

Quảng cáo 1 Quảng cáo 3 Quảng cáo 4
0

Giỏ hàng

0 sp - Liên hệ