Mùa đông, chúng ta thường xuyên gặp tình trạng chân tay lạnh cóng. Mặc dù không đáng lo ngại nhưng nếu tái diễn liên tục sẽ gây ảnh hưởng tới mọi hoạt động. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bàn chân, bàn tay lạnh và phải làm gì để hạn chế?
Chân tay lạnh cóng vào mùa đông
Khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống, cơ thể sẽ được điều chỉnh ở một nhiệt độ hằng định, đảm bảo giữ cho lượng máu lưu thông đến tất cả các cơ quan quan trọng để giữ ấm. Điều này có thể làm giảm lượng máu chảy đến các chi, khiến bạn cảm thấy lạnh.
Đây là điều vô cùng bình thường, các mạch máu ở chân, tay bắt đầu tự co lại để tránh tình trạng mất nhiệt. Đặc biệt lưu ý, nữ giới có nhiều nguy cơ bị chấn thương vì lạnh do tay và chân của họ dễ mất nhiệt hơn so với nam giới.
Nguyên nhân dẫn đến chân tay lạnh
Ngoài nguyên nhân do cơ thể tiếp xúc lâu trong môi trường lạnh khiến chân tay hàn lạnh thì có thể kể đến những nguyên nhân bệnh lý như khí huyết không lưu thông; Thiếu máu; Thiếu vitamin B12; Huyết áp thấp; Bệnh tim mạch.
Một số yếu tố khác cũng có thể dẫn đến tình trạng chân tay hàn lạnh như nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và sốt; tình trạng stress kéo dài; đau bụng kinh (ở phụ nữ) cũng có thể dẫn đến tình trạng chân tay hàn lạnh kéo dài...
Trẻ em mất nhiệt nhanh hơn khi trời trở lạnh do diện tích bề mặt cơ thể lớn hơn nhiều so với cân nặng, lớp mỡ dưới da cũng không đảm bảo chức năng cách nhiệt
Người cao tuổi mất khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Các mạch máu, đặc biệt là ở đầu các cho khó co lại hơn với người trẻ và nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh dẫn đến tình trạng mất nhiệt
Cách khắc phục chứng chân tay hàn lạnh vào mùa đông
Nhìn chung, chân tay hàn lạnh thường không gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Tuy nhiên, trong điều kiện lạnh giá thì việc giữ ấm bàn chân, bàn tay là quan trọng. Mách bạn một số biện pháp để khắc phục chứng chân tay hàn lạnh vào mùa đông:
Cọ xát tay chân
Khi mới tiếp xúc với thời tiết lạnh, hãy mát-xa tay chân liên tục để thúc đẩy việc tuần hoàn máu, làm ấm và có thể kết hợp xoa bóp cùng một số loại tinh dầu.
Ngâm chân tay vào nước ấm
Nước ấm (40 độ C), vài lát gừng tươi, thêm một chút muối và ngâm trong khoảng 20 phút, kết hợp với mát-xa chân tay sẽ giúp bạn tăng cường tuần hoàn máu.
Tập thể dục
Một số bài tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng giúp bạn đẩy mạnh quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung vitamin B1, B2, B12 và những thực phẩm nhiều calo, chất béo, chất sắt để cung cấp nhiều năng lượng, giúp bạn sản sinh nhiệt lượng sưởi ấm cho cơ thể.
Tránh stress và ngủ đủ giấc
Nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể bạn được giữ ấm tốt hơn.
Lựa chọn trang phục phù hợp
Bạn nên hạn chế mặc quần áo bó sát người. Cần đội mũ, đeo găng tay, đi tất, mặc quần áo ấm trong thời tiết lạnh. Đặc biệt là đối với trẻ em, cần hướng dẫn chúng cách mặc quần áo ấm, đeo găng tay và mang tất khi cảm thấy lạnh.
Một số người có thể có bàn chân, bàn tay lạnh hơn bình thường mà không có bất kỳ tình trạng bệnh lý nào. Việc cần làm duy nhất để bảo vệ chúng là giữ ấm.
Tuy nhiên, nếu chân tay luôn trong tình trạng lạnh quá mức, thậm chí gây khó chịu hoặc đi kèm với một số triệu chứng như thay đổi màu sắc của các ngón chân, ngón tay thì có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý trong cơ thể. Trong trường hợp này, bạn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.